Đôi nét về những giảng sư tại Khóa tu mùa hè

Những điều đặc biệt không thể thiếu và có ý nghĩa quan trọng trong mỗi khoá tu tại chùa Bái Đính là những bài thuyết giảng sâu sắc mà giản dị về “Tứ ân”, về “lòng biết ơn”, về "tình yêu thương"… từ những Quý Thầy đến với các khóa sinh. Với những dẫn chứng thiết thực, ngôn từ bình dị, cách truyền đạt phù hợp đã thu hút được sự quan tâm, chú ý của các khóa sinh - trí thức trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước. 

1. Hòa thượng Thích Bửu Chánh

Hòa thượng Thích Bửu Chánh thế danh Lê Hà, sinh năm 1961 tại xã Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

Thầy thọ sa-di giới năm 1974 tại Chùa Phổ Minh (quận Gò Vấp, HCM). Thầy tế độ Sa-di là Cố Hòa Thượng Bửu Chơn, Thầy tiếp dẫn là Hòa Thượng Thiện Tâm. Thọ Tỳ-kheo giới tại chùa Trúc Lâm (quận 6, HCM) năm 1981 với Thầy tế độ là Cố Hòa thượng Tịnh Sự và Thầy Yết-ma là Cố Hòa thượng Siêu Việt.

Hiện Thầy là Ủy Viên Hội Đồng Trị Sự, phó ban Hoằng Pháp Trung Ương GHPGVN, phó viện trưởng, kiêm trưởng khoa Pali Học viện PGVN tại Tp.HCM, phó trưởng BTS Phật giáo tỉnh Đồng Nai, Viện chủ Thiền viện Phước Sơn (xã Phước Tân, Tp. Biên Hòa) Trụ trì Chùa Quang Minh (xã Long An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai).

2. Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm 

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm thế danh Đặng Minh Châu, sinh năm 1956 tại xã Vũ Lăng, huyện Tiền Hải, Thái Bình.

Thầy xuất gia năm 14 tuổi, thọ giới tỳ kheo năm 1975. Người là đệ tử của Hòa thượng Thích Tâm Chính sơn môn Tế Xuyên Hà Nam, sau lên Hà Nội học và y chỉ theo Hòa thượng Thích Tâm Tịch là đệ nhị pháp chủ, trưởng sơn môn Bồ Đề, Trưởng sơn môn Tế Xuyên Hà Nam.

Thầy được tấn phong giáo phẩm thượng tọa năm 1997, Hòa thượng năm 2012.

Thầy là một tu sĩ Phật giáo và chính trị gia người Việt Nam, là đại biểu quốc hội Việt Nam khóa XIV nhiệm kì 2016-2021, thuộc đoàn đại biểu quốc hội thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Hoằng Pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội, Trưởng ban trị sự tỉnh hội phật giáo Hà Tĩnh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.  Thầy hiện làm việc ở Chùa Quán Sứ, thành phố Hà Nội, Trụ trì Chùa Lý Quốc Sư, Chùa Bà Đá (Văn phòng Ban Trị Sự GHPGVN TP Hà Nội), Trụ trì Chùa Bằng (Linh Tiên Tự).

3. Thượng tọa Thích Thọ Lạc

Thượng tọa Thích Thọ Lạc thế danh Trần Văn Duẩn, sinh năm 1963 tại Ninh Bình.

Thầy hiện là Ủy viên Thư ký Ban Thường trực Hội đồng trị sự, Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Nghệ An, Trưởng ban trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Ninh Bình. Sinh ra trong một gia đình có cảm tình với Phật giáo, ngay từ năm 8 tuổi, Thượng tọa đã xuất gia cầu học với cố Hòa thượng Thích Ðức Nhuận, Ðệ nhất pháp chủ GHPG Việt Nam, khi đó là trụ trì tổ đình Ðồng Ðắc, Ninh Bình.

Năm 1985 (22 tuổi), Thượng tọa được giao trụ trì Tổ đình Kim Liên (chùa Ðồng Ðắc, Ninh Bình). Sau khi tốt nghiệp Trường cao cấp Phật học Việt Nam khóa 2 tại TP Hồ Chí Minh, năm 1993, Thượng tọa được giao trụ trì chùa Yên Phú, rồi chùa Pháp Hoa (TP Hồ Chí Minh), trụ trì chùa Ðại Tuệ (Nghệ An)… Năm 2018, sau khi Hòa thượng Thích Trung Hậu viên tịch, Thượng tọa được bầu làm quyền Trưởng ban, rồi Trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPG Việt Nam cho đến nay.
 
4. Sư Cô Thích Nữ Hương Nhũ

Sư cô Thích Nữ Hương Nhũ thế danh Hoàng Thị Phương Thảo, sinh năm 1963 tại Hồ Chí Minh. 

Cô Tốt nghiệp loại giỏi khoa tiếng Nga của trường Đại học Sư Phạm với luận văn Bàn Về Lý Thuyết Ngôn Ngữ. Vào năm 1986, sư cô được phân công dạy tại trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng. Sau đó Sư cô trở thành đệ tử của Ni trưởng Huệ Giác – Viện chủ Quan Âm tu viện Biên Hòa – Đồng Nai. Sau khi xuất gia, ni sư tiếp tục với con đường học vấn.

Năm 1997, ni sư Hương Nhũ đã Tốt nghiệp cử nhân Phật học. Chưa dừng lại đó sư cô tiếp tục đi du học tại Ấn Độ để được đào tạo chuyên môn Phật Giáo. Đến năm 2000 hoàn thành chương trình Thạc sĩ ngành Phật học tại Đại học New Delhi. Tiếp tục vào năm 2005, sư cô hoàn thành luận án tiến sĩ Phật Học. Trong quá trình học tập ni sư cũng là tác giả của nhiều nghiên cứu khoa học liên quan đến chủ đề Phật học. Sau khi tốt nghiệp sư cô trở về Việt Nam. Sư cô thường xuyên có những bài nghiên cứu đăng trong Kỷ yếu/ Tuyển tập của các hội thảo học thuật.

Đến tháng 9/2006, ni sư Hương Nhũ được phân công tác tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM. Tại đây ni sư đảm nhiệm vị trí là giảng viên. Cùng với sự thân thiện, nhiệt tình cùng với kiến thức của mình sư đo đã nhận được sự yêu mến của nhiều Tăng ni sinh của nhiều khóa.